Thực hiện một lối sống lành mạnh, không chỉ giúp giảm nguy cơ đột quỵ mà còn giúp bảo vệ cơ thể theo nhiều cách khác nhau.
Trong đột quỵ, các mạch máu cung cấp chất dinh dưỡng và oxy cho não bị tắc nghẽn do cục máu đông hoặc xuất huyết não. Kết quả là, một phần não sẽ chết khi bị thiếu máu (và oxy) mà nó cần.
1. Có những loại đột quỵ nào?
Xuất huyết não hay vỡ động mạch não (được gọi là đột quỵ xuất huyết) hoặc các cục máu đông chặn dòng máu đến não (được gọi là đột quỵ do thiếu máu cục bộ), là những nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến đột quỵ.
Cục máu đông nhanh chóng là nguyên nhân gốc rễ của TIA (cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua), đôi khi được gọi là “đột quỵ nhỏ”.
Đột quỵ là bệnh lý cấp tính nguy hiểm, thường xảy ra đột ngột, để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời thường có tỉ lệ tử vong cao.
2. Phòng ngừa đột quỵ bằng lối sống lành mạnh
Tiến sĩ Manish Gupta, Khoa Thần kinh, Bệnh viện Jaypee (Noida- Ấn Độ) cho biết, lối sống lành mạnh không chỉ giúp ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ mà còn có lợi giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh khác.
2.1 Ăn uống lành mạnh
Ngoài việc giữ cho thân hình đẹp, khỏe mạnh, có thói quen ăn uống hợp lý, lành mạnh sẽ giúp bảo vệ cơ thể theo nhiều cách.
Ví dụ, tiêu thụ một chế độ ăn uống nhiều chất xơ và đồ tươi sống, hạn chế muối, chất béo… có thể giúp ngăn ngừa đột quỵ.
2.2 Tiếp tục vận động
Tập thể dục giúp giải tỏa stress, căng thẳng, giúp cải thiện giấc ngủ, giảm lượng cholesterol xấu, tăng tuần hoàn máu; làm giảm các yếu tố nguy cơ như béo phì, huyết áp cao, xơ vữa động mạch… Do đó, làm giảm nguy cơ đột quỵ não và khiến bạn cảm thấy khỏe và đẹp hơn.
Hãy chọn bất kỳ hoạt động thể chất nào, nhưng nhớ tập phải đều đặn hằng ngày.
2.3 Tránh hút thuốc
Khả năng bạn bị đột quỵ não gây tử vong sẽ tăng lên khi bạn hút thuốc nhiều hơn.
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch. Với những bệnh nhân đã có xơ vữa động mạch, thuốc lá sẽ thúc đẩy quá trình này mạnh mẽ hơn… Đây là yếu tố nguy cơthúc đẩy bệnh đột quỵ
2.4 Duy trì kiểm soát huyết áp
Huyết áp cao có thể làm hỏng động mạch. Điều này do áp lực dòng chảy của máu lên thành động mạch tăng cao trong thời gian dài có thể gây tổn thương tim, làm hỏng thành mạch máu, gây nhiều biến chứng nguy hiểm và tạo điều kiện hình thành cục máu đông trong mạch máu não. Đây là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ.
Do đó, cần kiểm soát huyết áp như: Kiểm tra chỉ số huyết áp thường xuyên; duy trì cân nặng hợp lý; thể dục thường xuyên; có chế độ ăn ít chất béo, nhiều chất xơ, giảm muối, hạn chế uống rượu và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ…
2.5 Hạn chế uống rượu
Bạn nên tiết chế việc sử dụng rượu vì rượu làm tăng huyết áp, góp phần đáng kể vào đột quỵ. Ngoài ra, nồng độ cồn cao có thể nhanh chóng làm tăng huyết áp lên mức cao hơn.
2.6 Kiểm soát cholesterol
Những người có cholesterol cao dễ bị đột quỵ vì lượng cholesterol dư thừa có thể đi đến các động mạch của cơ thể, khiến động mạch bị thu hẹp và tăng nguy cơ đột quỵ.
Thực hiện lối sống lành mạnh có thể làm giảm cholesterol giúp ngăn ngừa đột quỵ.
2.7 Quản lý tốt bệnh tiểu đường
Lượng đường cao là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra đột quỵ. Người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ bị xơ vữa động mạch và tăng nguy cơ huyết áp cao, cholesterol cao và béo phì… là những yếu tố nguy cơ của đột quỵ.
Do đó, cần kiểm tra theo dõi đường máu thường xuyên, khám sức khỏe định kỳ và thực hiện lối sống lành mạnh, sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát tốt bệnh.
2.8 Tránh căng thẳng, stress
Stress hay căng thẳng là phản ứng có lợi của cơ thể, để bảo vệ với những kích ứng nào đó. Tuy nhiên căng thẳng mãn tính, stress kéo dài có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Stress cũng có thể làm trầm trọng thêm các yếu tố nguy cơ khác của đột quỵ như huyết áp cao, cholesterol cao, béo phì, đái tháo đường, bệnh tim… Tất cả những điều này là yếu tố nguy cơ cao của đột quỵ.
Vì vậy, hãy kiểm soát tốt căng thẳng, stress nếu chúng xảy ra. Đối với những người bị trầm cảm, cần trao đổi với bác sĩ để được ứng phó thích hợp.
Theo SKĐS
Mời bạn xem thêm video: