Sức đề kháng là khả năng phòng vệ của cơ thể trước sự xâm nhập và tấn công của các tác nhân bên ngoài như vi khuẩn, virus,…Nó được xây dựng nên trong quá trình hình thành và phát triển của mỗi người, ngay từ khi còn là tế bào phôi thai.
Tăng sức đề kháng là 1 vấn đề nổi cộm được nhiều người quan tâm đặc biệt trong tình hình dịch hiện nay.
Vậy làm thế nào tăng sức đề kháng?
Đây chắc hẳn là điều mà rất nhiều người băn khoăn. Bác sĩ CKI. Nguyễn Thị Vân Anh – Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Quốc tế Vinh cho biết, để tăng sức đề kháng cho cơ thể, mỗi người cần kết hợp giữa chế độ dinh dưỡng hợp lý phù hợp với từng lứa tuổi cũng như khả năng hấp thu chuyển hóa của từng cá thể và chế độ sinh hoạt, tập luyện. Cụ thể:
Dinh dưỡng hợp lý
- Ăn đúng giờ, đa dạng thức ăn, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Nên ăn nhạt (ít muối) và ăn tăng các loại thực phẩm giàu Kẽm như tôm, cua, thịt bò, các loại ngũ cốc,…. Cùng với đó bổ sung các loại thực phẩm rau, hoa quả, sữa chua chứa nhiều vitamin C, E giúp tăng cường hệ miễn dịch, nhuận tràng, tránh táo bón,…
- Uống đủ nước: Nhu cầu bình thường của mỗi người là 40ml/kg cân nặng. Nên uống từ từ từng ít một, không nên uống dồn dập hoặc để khát mới uống nước.
- Thực phẩm chức năng: Hiện nay việc sử dụng thực phẩm chức năng rất phổ biến do người dân hoang mang trước dịch bệnh, nghe theo quảng cáo của người bán nên vô hình trung khiến cho thực phẩm chức năng bị lạm dụng. Thực tế, các Bác sĩ không phủ nhận tác dụng có lợi của loại sản phẩm này. Tuy nhiên nếu sử dụng quá nhiều và đặc biệt là dùng sản phẩm không uy tín, không có nguồn gốc thì sẽ không tốt cho sức khỏe, gây quá tải cho gan thận.
Hình thành lối sống lành mạnh
Thói quen xấu có thể khiến cho sức khỏe cơ thể đi xuống, sức đề kháng giảm sút. Chính vì vậy mà chúng ta nên tự tạo cho bản thân và gia đình lối sống lành mạnh:
- Không sử dụng chất kích thích, không uống rượu, bia, hút thuốc lá,…
- Giảm bớt căng thẳng. Nếu căng thẳng kéo dài, thường xuyên sẽ khiến cơ thể sản sinh ra loại hormone được gọi là hormone stress (Cortisol, Adrenaline, Norepinephrine,…). Các hormone này sẽ gây kích thích tim, co mạch, có thể làm tăng lượng đường trong máu, tăng tiết mồ hôi, tăng huyết áp,… Điều này sẽ khiến cơ thể suy yếu, sức đề kháng suy giảm.
- Thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao phù hợp với cơ thể. Vận động giúp thúc đẩy quá trình bài tiết mồ hôi, đẩy nhanh quá trình trao đổi chất và tăng cường hệ miễn dịch, làm cho sức khỏe dẻo dai hơn.
- Ngủ đủ giấc: Khi ngủ cơ thể được nghỉ ngơi, thư giãn, giúp hồi phục sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần, giúp duy trì và tăng cường sức đề kháng của con người.
Môi trường sống
Giữ môi trường sống sạch sẽ, thoáng khí tránh các tác nhân gây bệnh. Nên tăng thông gió trong nhà bằng cách mở sửa sổ, quạt hút mùi,… Đặc biệt không nên ở gần nhà máy, nơi nhiều khói bụi, tránh nơi ồn ào. Một không gian sống luôn thoáng đãng sẽ giúp làm tăng khả năng phòng vệ của cơ thể trước các yếu tố gây bệnh xâm nhập từ bên ngoài.
Tiêm phòng đầy đủ
Hiện nay nhiều bệnh đã có vaccine phòng chống như chương trình tiêm chủng mở rộng, viêm gan B, cúm mùa,… mới đây nhất là SAR-COV 2 gây Covid-19. Vaccine là chế phẩm có tính kháng nguyên dùng để tạo miễn dịch đặc hiệu chủ động từ đó sẽ làm tăng sức đề kháng của cơ thể đối với các tác nhân gây bệnh.